Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Thầy Hưng Quốc viết trên VOA

Sống và viết như những người lưu vong


Lưu vong thường được mở đầu bằng một bi kịch chính trị hoặc một bi kịch kinh tế và kết thúc bằng một bi kịch văn hoá.

Càng ngày tôi càng thấm thía một điều: sống và viết ở hải ngoại không phải chỉ là sống và viết ở hải ngoại.

Khi một nhà văn rời quê hương ra định cư và sáng tác ở nước ngoài, hắn không phải chỉ thay đổi một chỗ ở và một bàn viết mà còn thay đổi hẳn một thế giới với những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp, để rồi, một cách tự giác hay không, dần dần thay đổi cách nghĩ, cách cảm, từ đó, cách viết và cuối cùng, không chóng thì chầy, thay đổi cả căn cước (identity) của chính hắn với tư cách là một nhà văn nữa.

Thoát ra khỏi ngục tù ở quê hương, tuyệt đại đa số người lưu vong, đặc biệt là giới cầm bút, thường rớt ngay vào nhà tù của trí nhớ. Ngoái về quá khứ, các cây bút lưu vong ít khi đóng được vai trò tiên phong.

Nếu ví nền văn học hay văn nghệ hải ngoại nói chung với một trận bóng đá, thì đó là một trận bóng thường chỉ có các hậu vệ và thật nhiều thủ môn, ở đó chiến thắng được tính bằng những lần bắt bóng chứ không phải bằng những lần làm bàn. Một trận đấu kì dị. Quái gở. Và tuyệt vọng.

Mối quan hệ với quê gốc như thế làm cho quan hệ giữa những người lưu vong với miền đất mới định cư trở thành vô cùng gian truân: chúng ta bị phân thân giữa quê cũ và vùng đất mới, giữa tình cảm và lý trí, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và hoài bão.

Hậu quả của sự phân thân ấy là những người lưu vong bị biến thành những người đứng bên lề. Với sinh hoạt văn học trong nước, chúng ta là những người đứng bên lề. Dù tài hoa đến mấy, vẫn là những người bên lề. Với sinh hoạt văn học ở quốc gia chúng ta đang sống, chúng ta cũng lại là những người đứng bên lề, một thứ nhà văn sắc tộc khiêm tốn và buồn thảm, đứng bên lề những sinh hoạt chính mạch của thiên hạ.

Do đó, có thể nói, không có ai cô đơn cho bằng nhà văn lưu vong. Cách đây mấy năm, một số người cầm bút ở hải ngoại hô hào phá bỏ những ghetto trong sinh hoạt văn học. Ừ, thì phá bỏ. Nhưng chưa ai đặt câu hỏi: phá bỏ những ghetto-việt-nam ở hải ngoại rồi thì giới cầm bút sẽ đi đâu, sẽ nhập vào đâu?

Nhập vào văn học thế giới ư? Ai mà chả muốn. Nhưng đó là một con đường hết sức cheo leo. Một là, để sử dụng một ngoại ngữ như một ngôn ngữ văn học (chứ không phải một ngôn ngữ giao tiếp) không phải là một điều dễ. Hai là, sau hàng rào ngôn ngữ là hàng rào văn hoá. Bất cứ cộng đồng ngôn ngữ nào cũng hà tiện khả năng đồng cảm và bộ nhớ của nó đối với những người ngoại tộc, bởi vậy, ở đó, kiếm được độc giả đã khó, kiếm được những độc giả tri âm lại càng cực khó.

Đi vào một sinh hoạt văn học không phải của dân tộc mình, người ta, nếu không phải là một đỉnh cao thì rất dễ có khả năng sẽ không là gì cả ngoài cái việc được đăng tải và được xuất bản.
 
Mà đỉnh cao bao giờ cũng là những ngoại lệ. Số lượng những nhà văn sử dụng song ngữ thành công trên thế giới chỉ là hoạ hoằn, dù con số thử nghiệm có thể lên đến hàng chục ngàn, thậm chí, hàng trăm ngàn.

Còn lại, tuyệt đại đa số, dù muốn hay không, cũng làm tù nhân chung thân của tiếng mẹ đẻ của mình, cũng chỉ quanh quẩn trong sân chơi nho nhỏ của cộng đồng mình, và đứng bên lề những hội hè, đình đám văn nghệ quốc tế.

Sống và viết lách bên lề, những cây bút lưu vong tìm vui trong cái cộng đồng nhỏ bé, càng ngày càng nhỏ bé của mình. Đã nhỏ bé, lại còn lạnh lẽo nữa. Ở hải ngoại, đăng một bài viết trên báo hay in một cuốn sách, nhiều lúc ngỡ chừng như nói vào ống điện thoại chưa nối đường dây. Lặng ngắt. Không nghe gì cả, kể cả một lời chê, một tiếng chửi, cũng không có. Hoàn toàn lặng ngắt.

Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề nghiệp. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận.

Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.