Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

CHÙM CỔ TÍCH ĐƯƠNG ĐẠI

Trích của
Lê Vĩnh Tài, đăng trên Tiền Vệ



Nhân nói về làm thơ


 Xứ ấy một thời tao đàn
nhộn nhịp. Văn nhân dập dìu xe ngựa. Lúc an vui thì véo von ca hát, lúc lầm
than thì lên tiếng gọi bầy, đánh động cả trời xanh. Nhiều câu thơ viết như nước
mắt, đã đi với nhân
dân / thì thơ không thể khác / dân máu lệ khốn cùng / thơ chết áo đắp mặt..
.”

(*) Vì thế nên các quan trong triều không vui, họp bàn
cách xử lý.


Một ông nói: Ồn ào vậy, chi
bằng ta dẹp quách các Tao đàn đi là xong. Một ông khác lên tiếng: Không nên.
Dẹp vậy bọn chúng làm loạn, lại kêu gào đòi tự do cầm bút nữa, có mà ăn cám. Ta
cứ tập họp bọn chúng trong các trại sáng tác, cho ăn uống no say. Lúc say rồi thì
bọn chúng tất nói bậy, nhiều khi còn tranh nhau cả chỗ đi tiểu tiện. Ta lại còn
cho tiền tài trợ. Đứa nhiều đứa ít. Đứa có đứa không. Đứa nông đứa sâu. Thế nào
bọn chúng cũng cãi nhau, tranh giành chí choé, kiện tụng cả lên quan. Thế nào
cũng xong. Không phải chỉ chúng ta mà người dân cũng ớn.


Khi thi hành quả nhiên đúng y
như vậy.


 (*): thơ Phùng Quán


 


 Một chuyện ở trại sáng tác


 Sau một trận ăn uống no
say, các thành viên dự trại sáng tác ngồi lại nói chuyện gẫu với nhau.


Người đầu tiên là anh thợ
mộc. Mọi người cùng oà lên không biết vì sao anh lại có mặt ở đây. Hoá ra ngày
trước anh có bán mấy cái kệ tủ cho mấy ông thi sĩ, thấy họ cứ véo von vậy mà
sướng nên anh thử chuyển nghề. Quả nhiên từ ngày chuyển nghề cơm no bò cưỡi, không
vất vả như ngày xưa cưa cắt đục bào. Sau tới anh thợ giày. Lý do cũng như vậy
nên mọi người không oà lên nữa. Tới chị bán gạo, cô hàng bán nước, cán bộ về
hưu... thảy đều làm thơ, chẳng còn ai lơ ngơ nữa.


Cuối cùng có một anh có vẻ lơ
ngơ. Hoá ra anh này xưa nay vẫn làm thơ. Nhưng từ khi thời thế thay đổi, bạn bè
làm thơ của anh bỏ cuộc gần hết, anh vì ham vui mà ở lại. Có điều vì không phải
thợ cày, thợ giày, thợ mộc... nên anh không còn bạn. Lâu ngày quẫn trí nên bây
giờ ai nhìn anh cũng thấy hơi ngớ ngẩn lơ ngơ...