Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

TỪ BÌNH ỔN TỚI BẤT ỔN

Loài người cơ bản là rất dễ bị tổn thương bởi các tác động trong cuộc sống hàng ngày; vì thế, chúng ta cần phải có một niềm tin vào một điều gì tốt đẹp hơn để có thể tiếp tục duy trì sự tồn tại.


Từ thời ăn lông ở lỗ, khi sự tồn tại của con người còn đơn thuần là chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thì loài người chúng ta tin vào sự phù hộ của các đấng thần linh. Họ đặt niềm tin vào các thầy pháp hi vọng rằng, thầy pháp có thể giao tiếp với trời đất cầu xin cho sự ôn hòa của khí hậu.


Cho tới xã hội hiện đại, khi chiến tranh thế giới bùng nổ, để kháng lại sự xâm lăng của giặc ngoại xâm, chính phủ các nước đều xây dựng một hình ảnh lãnh đạo kiệt xuất để khơi dậy niềm tin chiến thắng của công dân nước mình. Lấy ví dụ các hình ảnh quyền lực tiêu biểu như Hitler, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Abraham Lincoln v.v… đều dẫn tới sự thành công.


Từ đó, lợi dụng niềm tin của công dân đã trở thành một trong những công cụ bình ổn xã hội hữu hiệu nhất.


Lấy ví dụ Mỹ trong thế chiến thứ II. Khi phần lớn đàn ông tham gia chiến tranh tạo nên sự thiếu hụt lao động tại quê nhà. Để đáp ứng sự thiếu hụt nhân công tại các nhà máy, đặc biệt là nhà máy chế tạo vũ khí, chính phủ Mỹ cần phải chiêu mộ lực lượng lao động nữ. Thế là nhân vật “Rosie the Riveter” được truyền thông Mỹ tạo ra với mục đích cho phụ nữ Mỹ tin rằng, đi làm cho các xưởng chế tạo vũ khí là biểu hiện yêu nước, giúp chiến tranh kết thúc nhanh hơn, và sẽ có một gia đình đầm ấm khi người chồng trở về từ chiến trường. “Rosie the Riveter” thật sự thành công khi lực lượng lao động nữ tăng vọt và tỉ lệ thất nghiệp Mỹ 1944 thấp nhất mọi thời đại, 1.2%.


Bắt đầu từ những năm 1950, khi thế chiến thứ II kết thúc; phụ nữ phải quay trở về làm nội trợ trong gia đình để trả lại việc làm cho đàn ông. Truyền thông Mỹ lại một lần nữa lợi dụng lòng tin của phụ nữ để thay đổi vị trí xã hội của họ bằng cách quảng bá hình ảnh phụ nữ sau thế chiến là ở nhà làm vợ với làm mẹ là hạnh phúc nhất. Các phim truyền hình như “Dick Van Dyke Show” hay “Father Knows Best” tràn ngập trên tivi đều làm phụ nữ tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi họ làm tròn nghĩa vụ một bà nội trợ trong gia đình.


Ngoài tin vào một hình ảnh tốt đẹp hơn, con người còn tự tạo niềm tin vào cuộc sống bằng cách cho rằng những gì minh đang có tốt hơn những người khác. Trong một cuộc nghiên cứu của hai nhà khoa học Sara Solnick và David Hemenway, con người sẽ thỏa mãn với cuộc sống khi họ có $50,000 và mọi người xung quanh có $25,000 hơn là họ có $100,000 mà người khác có $200,000. Điều này có thể xuất phát từ lòng đố kị và cạnh tranh; bản chất cơ bản nhất của việc đào thải và hoàn thiện giống loài.


Xã hội Việt Nam đại đa số nghèo và thiếu kiến thức. Việc vươn lên tầng lớp trên gần như không thể nếu như không có một sự may mắn. Chúng ta có thể tạo dựng niềm tin nhưng không thể làm ra may mắn, vì thế, việc tin vào một hình ảnh tốt đẹp hơn để trở nên thành công là gần như vô nghĩa. Cho nên, chúng ta tự nhủ rằng cuộc sống mình vẫn tốt hơn người khác.


Từ đó nảy sinh ra nhu cầu hở ngực, lộ hàng, xa đà, thác loạn… tất cả để thỏa mẵn suy nghĩ cuộc sống mình tốt hơn những người xinh đẹp, lắm tiền kia. Ở đâu có cầu là ở đó có cung; truyền thông để đạt doanh thu đã chạy theo những nhu cầu kia của dân. Báo chí tập trung xoi mói đời tư của những người thành đạt để tìm ra bất cứ thứ gì có thể bôi nhọ danh dự của họ. Đây cũng là một điều tốt vì vô hình chung, báo chí đã góp phần bình ổn xã hội khi giúp người dân tiếp tục sự tồn tại nhờ tin rằng cuộc sống của họ tốt đẹp hơn những người thành đạt kia.


Thế nhưng, một khi báo chí không còn là chỗ tạo dựng niềm tin mà chạy theo nhu cầu của người đọc, nó đã vượt quá giới hạn. Từ bình ổn xã hội, nó trở thành mồng mấm chia rẽ dân tộc. Với xu hướng hiện nay của báo chí đã làm khoảng cách người giàu và nghèo càng ngày càng rộng. Điều này sẽ làm trì hoãn sự phát triển của đất nước.


Thứ nhất, người giàu trong xã hội là những người trược tiếp ảnh hưởng tới sự giàu có của những người khác. Những đồng tiền họ tiêu xài sẽ phân phối ngược lại cho xã hội. Ví dụ, một đại gia ăn một bữa ăn thì tiền bữa ăn đó sẽ chuyển tới chủ nhà hàng; rồi chủ nhà hàng làm ăn phát đạt sẽ tăng lượng mua bán với chỗ cung cấp vật liệu rối cuối cùng tiền cũng sẽ đi về các người trồng chọt chăn nuôi. Cứ như thế, sự giàu sang của họ sẽ phân phối đều trong các tầng lớp dưới của xã hội. Họ càng giàu, càng xài tiền nhiều bao nhiêu thì những những tầng lớp dưới sẽ được kéo lên càng nhanh bấy nhiêu.


Thứ nhì, vì họ ảnh hưởng trực tiếp tới sự giàu có của xã hội nên họ là những người có trách nhiệm cho sự phát triển đất nước. Thế nhưng, đại đa số có cách nhìn cực đoan về những đầu tầu kinh tế đó thì làm sao công cuộc phát triển kinh tế có thể thành công được. Nếu người dân không tin vào vận mệnh đất nước thì làm sao đất nước phát triển tiếp lên được. Thử hỏi chúng ta có thể thắng được cuộc chiến nếu không tin vào Hồ Chí Minh không.


Thứ ba, gia tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo vô tình đã tư bản hóa xã hội. Điều này hết sức nguy hiểm bởi vì Việt Nam là xã hội chủ nghĩa. Công dân cần phải hiểu rõ về hệ thống quản lý, vận hành và phát triển của một nước chủ nghĩa xã hội. Nếu người dân hiểu sai, hoặc không nắm rõ hệ thống của bộ máy chính quyền, thì thể chế chính trị sẽ không bao giờ vững chắc được.


Trong xã hội hiện đại, có thể nói báo chí góp một phần rất lớn vào vận mệnh đất nước vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ, tư tưởng và cách nhìn nhận xã hội của người dân. Nếu khéo léo, truyền thông có thể lái xã hội chạy theo bất kỳ xu hướng nào được đặt ra. Cho nên, báo chí cần phải tự khảng định lại mình là người tạo ra niềm tin, chuẩn mực xã hội chứ không phải chạy theo sự ảo tưởng của người dân. 


(Sự hiểu biết của em gái đóng một phần không nhỏ trong bài viết này)


Bài này copy từ blog Giai xinh. Dòng chữ đỏ kia có nghĩa, phải nhờ Gái đẹp dịch sang tiếng Việt hay chữa lỗi chính tả tiếng Anh  hộ.



Giai xinh và Mémé-dũng sĩ diệt giúp việc nhà mình.