Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

ĐỌC VÀ ĐỪNG KHÓC

Tự do của tháng Tư


Lần đầu tiên tôi chạm
tay đến ngày 30-4 là khi tôi gặp nhiều nhà báo Mỹ quay trở lại Việt Nam – cuộc
đoàn tụ 35 năm sau cuộc chiến – và phỏng vấn từng người một trong họ.


Ông Neal Ulevich – một nhà
báo của AP tại Sài Gòn – già nua, cầm vụng về những cuốn giấy tròn, có ảnh của
tất cả những ai ông gặp được trong thời gian ông ở văn phòng. Phòng của AP tại
Sài Gòn nằm trên tòa nhà Eden
– bây giờ đã thành tro bụi – đối diện nhà hát thành phố và có thể dễ dàng nhìn
thấy từ Caravelle. Ông nói với tôi từ cửa sổ Caravelle sang trọng: “Bạn muốn
chụp ảnh à? Vậy để tôi đi ra ngoài, bạn có thể chụp tôi với Eden .” Ông hạnh phúc khi thấy Eden vẫn còn ở đấy.
Tôi gặp Edith Lederer, Carl Robinson, Perry Dean Young, Don North, Jacques
Leslie. Tôi đặc biệt nhớ Perry.  Ông đã tặng tôi một quyển sách, kể về nỗi
đau của ông khi 2 người bạn ông Dana Stone và Sean Flynn. Nhưng trên hết, ông
ngồi một cách rất cô đơn trong phòng khách sạn, và nói với tôi rằng ông rất sợ
cuộc chiến đó, sợ đến mức phải bỏ đi, và không quên được người bạn mình đã mất
xác ở Đông Dương.


Một thời gian sau đó, tôi gặp
bà mẹ Bùi Thị Mè. Bà là người phụ nữ đẹp thật đẹp. Bà tinh anh, thông minh và
dịu dàng. Bà thích mặc áo bà ba đen. Cứ sau mỗi năm gặp lại, bà lại yếu hơn. Bà
chính là người đã mất cả 3 người con trai trong chiến tranh Việt Nam . Bà cũng là
người đã thuyết phục ông Dương Văn Minh, dựa vào sự cảm mến ông dành cho bà và những
lo lắng về cuộc tắm máu cuối cùng, để tiến đến đầu hàng vô điều kiện. Bà chưa
kể cho tôi nghe về chiến tích, chiến công của bà bao giờ. Nhưng bà hay nhắc đến
Ông Minh sẵn sàng đối thoại, nhắc đến con trai, nhắc đến cái tin con chết đến
dồn dập mấy ngày liên tiếp nhau. Rồi bà khóc. Bà bảo: Tối nào bà đi ngủ cũng
thấy 3 con trai nhìn bà từ ảnh trên tường.


Mỗi năm lớn hơn, tôi lại nhìn
thấy ngày 30/4 ấy theo một cách khác. Đầu tiên, tôi hào hứng với cờ hoa, hào
hứng như bao đứa học sinh cấp 2, cấp 3, viết 1 bài phát biểu cảm nghĩ cho
trường, lớp, đọc to dưới cờ, rồi… được 2 ngày nghỉ học. Sau đó, tôi cảm thấy
hoang mang.


Giờ thì chỉ tự hỏi, sao mà
cuộc chiến ấy vô tâm nhiều như vậy. Nhiều tay nhà báo nước ngoài đến Sài Gòn,
rồi trở nên nổi tiếng. Tôi đọc thấy người ta bảo hồi ấy làm báo mà đến Việt Nam là được coi
như có “số má” ghê lắm rồi. Nổi tiếng nhanh lắm. Nhưng có biết bao nhiêu tay
nhà báo Việt Nam ,
lao ra chiến trường, viết bài chụp hình thuê cho các anh phóng viên nước ngoài,
rồi chết chẳng ai đề tên, nhớ mặt. Cuộc chiến ấy vừa hào hoa, tráng lệ, vừa vô
tâm khủng khiếp. Người ta có thể vô tâm như khi kể một câu chuyện quân ta thắng
quân địch chết như thể lũ trẻ con chơi ô ăn quan tao thắng mày thua. Người ta
có thể chà đạp lên cả cái sự u buồn của cái chết – của những cái chết đã thôi kêu
gào rất lâu rồi – cứ gọi tên mãi nó là thắng con này, đè bẹp thằng nọ.


Có cái chết nào màu xanh màu
đỏ đâu. Có ai thèm nhớ cho cái chết in dấu lên thân thể người ta bằng súng,
đạn, dao găm đâu. Chết là màu đen. Sự đạo đức ở đời là nhớ người đã chết cho mình
cái gì để mình sống tiếp, chứ ko phải vì họ chết nên ta chà dẫm lên họ gọi tên
họ là con thua cuộc anh thắng cuộc.


Rồi ba mươi mấy năm trôi qua.
Cái sự vô tâm đến đáng ngạc nhiên ấy nó phủ lên cả nước mắt quá khứ. Có bà mẹ
nào mất con mà ko đau khổ? Sao không viết về bà mẹ Việt Nam với bà mẹ lính ngày xưa ở miền Nam này giờ côi
cút nghèo khổ ra sao? Hay ai cũng chỉ cần mẹ để lộng kiếng trang hoàng thêm vào
cái tiểu sử công ty là “Phụng dưỡng mẹ VN anh hùng”, “chăm sóc bà mẹ VN anh
hùng”. Mẹ lộng kiếng có cô đơn không? Mẹ lính nghèo Sài Gòn ngày xưa có đau
không? Đời sống sao mà vô tâm thế? Con chó trên vỉa hè còn biết xót thương con
chó già không có miếng ăn mà nhá ra cục xương nhường cho ăn. Người sao cứ ve đi
vẩn lại giữa anh hùng với ko anh hùng, cộng hòa với cộng sản, lộng kiếng và kết
hoa. Còn các mẹ… già cứ già, cô đơn cứ cô đơn, mất con cứ là mất con – nhưng
đời đời trang hoàng lộng lẫy hoặc đời đời cô đơn quay quắt.


Ông nhà báo già đến Sài Gòn
mấy tháng trời, quay lại còn nhớ Eden, quay lại còn nhớ tôi gặp anh lính đã cho
tôi ăn, dắt tôi ra cánh đồng. Người trong một cõi đất thì cứ phỉ nhổ vào mặt
nhau, gọi tên nhau cộng hòa, cộng sản, treo cờ chửi bới nhau, lập nick sỉ vả
nhau, đua nhau gọi tên chỉ mặt quá khứ theo liều lượng mình yêu thích.


Tôi chẳng chờ đợi thông tin
công tâm – vì thông tin thời nào mà chả thế, nó được tạo ra vì người ta thích
thế. Nhưng cái hồn nhiên của anh lính Sài Gòn hát nhạc sến đưa đẩy cô gái nghèo
rồi thở than vì ra trận chắc cũng chẳng khác với cái hồn nhiên của anh Nguyễn
Văn Thạc lúc viết nhật kí mà hi sinh đâu. Vì một tham vọng, sự căm hờn vuông
vức và đầy chủ ý, người ta cứ nhìn nhau như “lính chế độ cũ”, “mấy ông bộ đội
già” rồi truyền cả vào lòng của cháu con. Hờn căm ko còn nguyên si hình dáng thì
hóa ra là dị tật bấn loạn. Mù lòa thông tin rồi sinh ra nghi hoặc thù giận.
Chẳng thấy gì ích lợi hay ho trong ấy cả.


Tôi cũng chẳng hiểu tới cái
thời gì rồi mà người ta còn đặt tên trường học là Đuốc Sống, dạy tụi trẻ con
yêu nước là phải tẩm xăng zô mình như cái anh Tám zô zanh nào đó. Tôi thì nhớ
nhiều cuộc đối thoại với mấy ông già tôi quen, có ông ngồi kể về cái kệ sách
hơn 1000 quyển của gia đình mình được “quyên góp” ra sân xã rồi thiêu đốt thành
tro bụi. Giờ gần 80 tuổi, làm khoa học, mà ông già cứ phải mày mò mãi mấy quyển
sách cũ ở Sài Gòn – trước kia đã có đầy tủ mà thành tro bụi mất rồi.  Rồi
giờ ai cũng có thể căng biển “ủng hộ nạn nhân chất độc da cam” đi làm tiền
thiên hạ.


Nhìn  quanh nhìn quất,
thấy đâu đâu cũng là cái ba mươi mấy năm ấy mãi mãi chẳng phai mờ. Quẩn quanh
hoài. Quẩn quanh hoài. Rồi cái mớ lằng nhằng này sẽ còn mãi, còn mãi, khi người
ta cứ cấu véo lấy thương đau mà nhai nuốt như món hời, vết vẹo của thằng giang
hồ, lên chức, thành quan vì “từng chiến đấu” rồi cứ tung hê mãi mãi cái hứng
thú vô loài của cuộc đau thương dài hàng chục năm này.


Chẳng biết vì cái gì. Hay vì
cái tham lam của riêng mỗi “hình tượng anh hùng” đằng đằng sát khí mà mỗi bên
hăm hở?


 Ko biết.


Chỉ thương mẹ Mè, mẹ nói mẹ
tối nào đi ngủ cũng nhìn 3 con trai trên vách, thương ông già Perry Dean Young,
chỉ nói đi nói lại mãi, “Tôi sợ” vì mất người bạn thân không tìm được xác.
Người trong cuộc sao chẳng lên giọng, gân cổ gì… như những ai chẳng mất gì từ
cuộc chiến ấy…


30/4. Tự do đấy!


Khải Đơn


 

TÁI KINH (1)


Nói chuyện  linh tinh
trước


*** Tên cái đề án này khí
dài, nguyên văn Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo
hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai
đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
Tái kinh là cách viết vừa cho
nhanh vừa  cho ra sìtai Beo, không hề có ý cợt nhả.


*** Trên Việtnamnet hôm nay
viết thế này: Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, năm 2009, Bộ Kế
hoạch Đầu tư đã chuyển Quốc hội Việt Nam 1 tài liệu dày 200 trang về
tái cấu trúc nền kinh tế, đến nay trải qua mấy năm rồi tái cấu
trúc đến đâu, có làm hay không, không thấy nói đến, nay lại tiếp tục tái cấu trúc.
Đề án này khác với trước là nó
chỉ có 14 trang, đã tóm gọn không còn dàn trải kể lể mà không có
giải thích.


Không rõ là ông chuyên gia
kinh thế
Bùi Kiến Thành hay phóng viên Trần Thủy  nhầm (dùng chữ này cho nó nhẹ nhàng
chứ định bổ một chữ khác nặng đô hơn). Tái cấu trúc nền kinh tế buộc phải song
song với thay đổi thể chế thượng tầng, còn tái cơ cấu thì chỉ đơn giản là việc
dọn dẹp cho nó gọn gàng ngăn nắp lại mà thôi. Cùng có cấu đấy nhưng khác nhau
một trời một vực.


Cái nhầm thứ hai,
cũng không biết của ai trong hai người, khi bảo Tái kinh chỉ có 14 trang. Bản
tóm tắt 23 trang, bản đầy đủ 64 trang. Hoặc là lười không đọc hoặc là không có
bản gốc nhưng sĩ diện khoe mẽ hoặc là đọc đến trang 14 rồi...tưởng hết.


Sở dĩ Beo nhắc đến chi tiết
số trang này là vì, nó phơi ra một sự thật không mới mẻ gì: các loại nhà của ta
là cấp chuyên gia trong việc phát ngôn cảm tính.


Chả cứ trong nước. Đến mười
mấy ông giáo sư tiến sĩ nọ kia bên Âu bên Mỹ cũng rất hồn nhiên kí tên vào một 
cái văn bản lập luận kiểu thế này: văn hóa nước nhà xuống cấp nguyên do bởi báo
chí bị cấm đoán. Lạ thiệt.


*** Nhưng cái này mới là lạ,
cực lạ luôn. Không hiểu các nghị chuyên nghiệp (nghị nghiệp dư chưa họp, Beo
nghĩ  ra đại trà còn là vui nữa) đọc kiểu gì lại thấy ra, cần phải có tiền
mới thực hiện được Tái kinh. Có vị phát biểu với báo giới rất đầy tính trách
nhiệm khi lo lắng không biết lấy nguồn tiền từ đâu.


Nhân nói chuyện nghị, hôm
nay anh Dương Khựa lên trang nhất với một câu chất vấn cực ngu,
hình như xe biển 80 ít bị phạt hơn
biển trắng. Beo không làm chính trị được, bởi gặp loại nghị thế là phạng không
xót: thứ nhất việc ấy phải hỏi anh Quang, Thăng đây ko ra ngã tư tuýt còi hay
đu đưa nắp capô nhá. Thứ hai, không có chuyện hình như (lại cảm tính) khi hỏi,
bởi anh hỏi hình như tôi cũng sẽ zả nhời, hình như léo phải thế.


Cái này đăng ở Thanh niên.
Soi sang Tuổi trẻ, một chị chọi lại anh Thăng, luật là thế nhưng phải nghĩ đến
cái tình dân đang khốn khó. Anh Thăng đau, dân sướng và bản báo được cái hình 
nghị gái rõ xinh trang nhất. Bạn Hà Cao chửi Thanh niên quả cũng có  cái
lí của bạn ấy, không oan phân nào.


*** Beo sẽ  diễn đạt
bằng ngôn ngữ của mình toàn bộ 4 đề án nhỏ trong  Tái kinh, nếu có
thời gian.