Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

BỞI CHIẾN TRANH ĐÂU PHẢI TRÒ ĐÙA...

<!--[if gte mso 10]>

table.MsoNormalTable
{
font-size:10.0pt;
font-family:"Times New Roman";
}

-->


Tác giả bài viết

Bố em, 18 tuổi vào bộ đội.
Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn
luyện chán chê để rồi tuyển lựa "đi B". May mắn thay, bố chưa đến đợt
đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.


Tháng 8/1978, chị cả em ra
đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư - em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập
ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước
đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay.
Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường.


Vài tháng sau, bố đi K (chiến
trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người
Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng
nhưng đi K thì khác.


Thời gian đầu còn có chút tin
bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà
nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi
tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.


Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà
riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp
đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên,
mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia,
không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.


Rồi bố bị thương trong một
lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về
trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá
cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi
tiếng gào thét. Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng,
lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng
thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và
hai tai bị điếc nhẹ. Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng
còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng,
chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về.


Ngày bố về, nét mặt dữ dằn
hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không
nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả
đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều
khóc thét. Bố mất cả tháng giời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà
không làm nó sợ. Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em
nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần
sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không
lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người,
khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả
mà chống như người ta được.


Bố em chưa một lần than vãn
gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương
bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành. Em
nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều,
nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày
đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ". Đúng, chúng em từ Cấp
1 cho đến hết Đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh.


Bao nhiêu năm em sống trên
đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm
trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở
về. Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều:
"Kể cả có chiến tranh, thằng HA (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi
nhập ngũ đâu, nó con một, bố lại thương binh yếu đuối thế kia".


Các bạn có thể cười rằng mẹ
suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình
để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết
thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. Chiến
tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế
nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.


 


 

Phụ nữ Việt Nam thực sự

chép từ Tin khó tin trong lúc chờ yahoo hết bi lỗi

Mới vài tháng trước, một hot gơn đã ra tuyên ngôn không độc lập,
quyết sống ngoan và dựa vào người khác, nhận được sự ủng hộ của nhiều
người cùng ý tưởng rằng phụ nữ thì phải “ngoan”. Cũng trong vài
năm trở lại đây, thi thoảng báo chí lại đăng bài về những cờ-líp, tin
tức xoay quanh việc các em nữ sinh bé bỏng, đáng iu của chúng ta đàn áp,
đánh đấm, bắt các em xinh tươi không kém phải quỳ xuống xin lỗi, khóc
lóc, đá vào mặt vào bụng, vv vô cùng tàn ác. Trước hiện tượng đó, các
nhà báo, nhà giáo và đặc biệt là những người-tự-nghĩ-mình-là-nhà-gì-đấy,
còn gọi là “công dân mạng”, đồng loạt lên tiếng phản đối. Họ
chửi bới, lên án, đòi có những sự trừng phạt thích đáng đối với những em
nữ sinh đáng yêu từng ấy. Họ kêu gọi là mất hết thuần phong mỹ tục, cho
rằng phụ nữ Việt Nam phải thùy mị nết na, hiền lành dịu dàng. Người
viết bài xin đặt ra câu hỏi, những cái thứ thùy mị nết na đấy lấy ở đâu
ra?


Tôi xin khẳng định rằng, nói về phụ nữ Việt Nam mà áp những cái chuẩn
mực thùy mị nết na, hiền lành dịu dàng là sự sỉ nhục lớn với văn hóa
Việt Nam. Từ thưở mở cõi, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra trăm trứng,
nở trăm con, sau vì không hợp nhau, hai vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn,
năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi. Con cả
theo mẹ, xưng làm Hùng Vương, định đô ở Phong Châu. Như vậy từ những
ngày đầu mở cõi, Âu Cơ đã chiếm phần hơn trong việc chia tài sản. Từ đó
trở đi dân gian, tục ngữ của chúng ta cũng có biết bao nhiêu câu ca ngợi
vai trò của người phụ nữ: “lệnh ông không bằng cồng bà”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”


Chỉ liếc qua kho tàng chuyện cổ dân gian, cũng có biết bao tấm gương
về bản lĩnh người phụ nữ. Trong truyện Tấm Cám, khi nhà vua oai phong
chỉ dám cưỡi ngựa lượn đường, trà chanh đọc báo, thì hai chị em Tấm Cám
giết nhau năm lần bảy lượt bằng những thủ đọan tàn bạo. Giả sử hai chị
em sống thời nay, thì sẽ tạo một cơn bão truyền thông hơn đứt Nguyễn Văn
Luyện với những tít bài như “Vì giỏ tép mất tình chị em”, “Ngã từ
lưng chừng cau, nạn nhân chưa kịp kêu đau đã chết”, “Kinh hoàng trong
mắm có thịt người, cơ quan kiểm dịch đang vào cuộc”,
hay “Có hay không việc một bà già trồng thị được hot gơn?”  Cả
câu chuyện có ba người phụ nữ thật lắm mưu mô, chỉ phảng phất vài hình
bóng những người đàn ông hiền lành, chỉ biết đem quần áo đẹp và hài lụa
hàng hiệu cho hot gơn, khi vợ chết chỉ biết lấy vợ mới không dám có phản
ứng gì. Tương tự, Mai An Tiêm hay Lang Liêu với vua cha thì bật như
tôm, nhưng việc trong nhà nhất nhất đều hỏi ý kiến vợ rồi mới dám làm.
Hai chàng trai đó sau đều nên người cả.


Một số người cho rằng chuyện cổ tích, chuyện dân gian đều là hư cấu, không đáng tin, vậy tôi xin đưa ra những dẫn chứng lịch sử.


Hai Bà Trưng dưới sự giúp đỡ của mẹ là bà Man Thiện, đã đứng lên khởi
nghĩa, Hai Bà cưỡi voi ra trận, đuổi cả thái thú ra ngoài bờ cõi. Tiếp
nối sau Hai Bà Trưng, là Bà Triệu. Bà là gái Thanh Hóa hung dữ ghê gớm,
cãi chị dâu, ép anh trai khởi nghĩa, bắt voi trắng một ngà, khiến lũ
Khựa phải than:


Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà vương nan.

Dịch:


Múa giáo đánh cọp dễ,
Đối mặt Vua Bà thì thực khó.

Ý chúng nó là Bà Triệu dữ hơn cả cọp.


Kế đến là thái hậu Ỷ Lan, không hung dữ như bà Trưng bà Triệu, nhưng
cũng hiểm ác không thua gì cô Tấm.Ỷ Lan đẩy Vợ cả và 72 cung nữ bị chôn
sống, trị nước vững vàng. Lý Thánh Tông là chồng, đi đánh giặc nửa đường
quay về, ngồi nghĩ tới cảnh bị vợ đay nghiến mắng chửi, đành tiếp tục
quay lại đánh Chiêm Thành. Thế mới biết vợ còn đáng sợ hơn cả giặc.


Trong thời kì hiện đại, lịch sử văn học nước nhà đầy rẫy những tiếng
than của những người đàn ông bị đàn áp. Ví dụ trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” (Kim Lân) vợ
anh Tràng ăn liền bốn bát bánh đúc, về nhà hôm trước thì hôm sau cho mẹ
chồng ăn cám. Anh Tràng hôm sau tự dưng muốn đi chống Nhật, chắc sau
một đêm hiểu rằng vợ mình ác hơn phát xít. Ngô Tất Tố cũng bừng bừng khí
thế viết tác phẩm “Tắt Đèn” để phản ánh việc một người phụ nữ
dám đánh lính lệ, đạp quan huyện, lên phố làm ô-sin thì đẩy cả ông chủ
trong khi chồng chị sợ quá chỉ dám nằm còng queo.


Còn qua tác phẩm “Tỏa Nhị Kiều” của Xuân Diệu, chúng ta thấy
tiêu chí phụ nữ Hà Nội lý tưởng của những năm trước khác hẳn những gì
mà giới truyền thông đang truyền bá. Người phụ nữ mà Xuân Diệu mơ ước
là:


“Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn, giá họ đàng điếm, hung
dữ, trơ trẽn, lẳng lơ tôi sẽ được vui … Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đi
đua xe đạp, tôi sẽ được thản nhiên, nếu thấy họ đỏm dáng chòng ghẹo bất
cứ người nào. Tôi ước được gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen
tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cặp môi đắp son đỏ choét. Tôi
muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch, lố lăng bao nhiêu
cũng được”


Nói qua nói lại chỉ để nhận thấy rằng, phụ nữ Việt Nam vốn không có truyền thống dịu dàng, nhẹ nhàng yểu điệu. Việc bắt họ phải “ngoan”
hay dịu dàng là do nhiều người nhiễm tư tưởng đạo Khổng từ Trung Quốc
rồi tuyên truyền với mục đích gây rối, tạo mối chia rẽ trong cộng đồng
người Việt, nặng thì có thể dẫn tới nội chiến, nhẹ thì làm thui chột ý
chí của trên 50% dân số Việt Nam.


Trở lại xã hội hiện nay, tôi khuyến nghị các anh đàn ông con trai,
nên gạt bỏ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, góp phần giữ gìn truyền thống dân
tộc. Chị em phụ nữ nên vùng dậy, giành quyền làm chủ, bảo vệ chính mình.
Còn về quan điểm cá nhân tôi, tôi xin theo nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Phụ
nữ nghĩa là vợ con chị em người khác chứ không phải vợ con chị em của
tôi. Gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc
tân thời nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng
những lý thuyết bình quyền với giải phóng.” (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng)